BẢN ĐỒ QUY HOẠCH TỔNG THỂ THÀNH PHỐ CHỢ LỚN NĂM 1874
Đây được xem là bản đồ quy hoạch chung thành phố Chợ Lớn sớm nhất, đồng thời ranh giới thành phố Chợ Lớn mới cũng được xác lập. Bắt đầu từ nghị định ngày 06/6/1865 của Chuẩn Đô đốc, Thống đốc Nam Kỳ quy định về tổ chức thành phố Chợ Lớn, thành phố Chợ Lớn sẽ được chia thành 5 khu, dù có vẻ ranh giới vẫn chưa ấn định cụ thể. Không lâu sau đó, đến ngày 14/7/1865, chính quyền thuộc địa ban hành nghị định đặt tên đường phố, đại lộ, bến bãi tại Chợ Lớn, với 32 tuyến các loại. Bao gồm: Đại lộ Annam, Jaccaréo, đường Artisans, Barbet, Canton, Lapelin, Lareynière, bến Hội Hiệp, Testard, đường Paris, Roses, bến Gaudot, Chợ Quán, đường Marins, Cây Mai, bến Riz, Commerce, Mỹ Tho, khu Wuang-Tai, đường Ebénistes, Canal, bến Pékin, Minh Hương, Yun-Nam, đường Cambodge, Marché, Pagode, Jardins, Gia Long, Paris (nối dài), bến Jonques, Cần Giuộc.
Căn cứ 32 tuyến đường được đặt tên năm 1865 và đối chiếu ngày nay, xác định ước lượng quy mô đô thị Chợ Lớn năm 1865 được giới hạn bởi: Đường Cây Mai (Nguyễn Trãi) ở phía bắc; đường Roses (Đỗ Ngọc Thạch) và bến Cambodge (Kim Biên) ở phía tây; đại lộ An Nam (Ngô Quyền) ở phía đông; rạch Chinois (Tàu Hủ) phía nam. Với giới hạn vừa xác định, diện tích thành phố Chợ Lớn năm 1865 là khoảng 0,57km2. Đây là vùng đô thị Chợ Lớn được thiết lập rất sớm, bao gồm cả phố cổ Sài Gòn với diện tích hơn 8ha được giới hạn bởi bến Hội Hiệp (kinh Xếp), bến Gaudot (rạch Chợ Lớn hay Lò Gốm) và đường Cây Mai (đường Thiên lý), phía đông vượt qua đường Canton.
Năm 1870, chính quyền thiết lập ranh giới thành phố Chợ Lớn tại nghị định ngày 15/01/1870. Đây là lần đầu tiên địa giới đô thị Chợ Lớn được ấn định, quy định rõ đất đô thị phải đóng thuế. Ngày 31/8/1874, Chuẩn Đô đốc, Thống đốc Krantz thông qua nghị định thay đổi ranh giới thành phố Chợ Lớn, trong đó chủ yếu là điều chỉnh ranh giới được thiết lập tại nghị định ngày 15/01/1870.
Từ ranh giới xác lập năm 1874, chính quyền cho lập quy hoạch thành phố với nhiều tuyến đường và tên đường dự kiến (rue projeté). Theo bản quy hoạch này, hàng chục tuyến đường đã được đặt tên mới: Đường Triều Châu (Học Lạc), Gò Công (Gò Công), Palikao (Ngô Nhân Tịnh), Pého (Chu Văn An), Clochetons (Phù Đổng Thiên Vương), Congrégations (Lương Nhữ Học), Tân Hương (Tân Hàn và An Điềm),[1] bến Annexion (Hải Thượng Lãng Ông). Bản quy hoạch 1874 là cơ sở chính để thành phố Chợ Lớn được tiếp tục xây dựng về sau. Tuy nhiên một phần phía tây bản quy hoạch về sau được thay đổi, khi không đào tuyến kinh nằm trên đường Bình Tây ngày nay và bổ sung phần kéo dài tuyến kinh Hàng Bàng về giáp rạch Lò Gốm. Lúc này đã thấy sự xuất hiện chợ Bình Tây Cũ và cây Cầu Lầu trước chợ vượt rạch Chinois (kinh Tàu Hủ). Đáng chú ý, lúc này Chợ Lớn còn tồn tại một hồ nước lớn diện tích lên đến 2,47ha, nằm trên đường Phú Giáo ngày nay.
