BẢN ĐỒ THÀNH PHỐ SÀI GÒN NĂM 1867

Đây là bản đồ có tỷ lệ lớn và chi tiết, thể hiện toàn bộ các công trình xây dựng của chính quyền thuộc địa nằm ở khu vực đồi Tân Khai. Lúc này phố cổ Bến Nghé đã hoàn toàn bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ với nhiều tuyến đường được xây dựng và đặt tên vào năm 1865. Hàng loạt công trình xây dựng phục vụ nền cai trị của người Pháp ở Nam Kỳ đã xuất hiện.

Các công trình đáng chú ý lúc này là nhà Giám mục (Maison de l’éveque) nằm ở khu vực vây quanh bởi các tuyến đường ngày nay là Pasteur, Nguyễn Công Trứ và Tôn Thất Đạm; Sở cầu đường (Ponts et chaussées) nằm ở khu vực vây quanh bởi các tuyến đường ngày nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng và Pasteur; Dinh thanh tra vụ bản địa (Dirrecteur des affaires indigènes) nằm trên đường Lê Lợi, giữa hai nút giao Lê Lợi - Pasteur và Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa; sở Hiến binh (Gendarmerie) ở vị trí Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh; Nhà tù (Prisons) ở vị trí Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố; Dinh Đại tướng (Commandant des troupes) và Bộ tổng tham mưu trưởng (État-major général) ở vị trí Nhà hát thành phố ngày nay; Hội đồng thành phố (Municipalité) và Đồn cảnh sát (Poste de police) ở vị trí Trung tâm thương mại Union Square;… Bản đồ cho thấy, lúc này ngoài các tuyến đường mang tên số, thành phố Sài Gòn đã có 22 tuyến đường có tên.

Ngày 03/10/1865, Phó Đô đốc, Thống đốc ban hành nghị định đầu tiên xác lập ranh giới thành phố Sài Gòn. Theo đó, ranh giới thành phố Sài Gòn là các khu đất nằm giữa rạch Thị Nghè, sông lớn, rạch Bến Nghé, đường Cầu Ông Lãnh mới (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đường Chợ Lớn (Nguyễn Du), đường Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng Tám), đại lộ Chasseloup-Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), đường Imperatrice (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) nối dài đến đường Impériale (Hai Bà Trưng) và đường Impériale đến đại lộ Ceinture được giữ lại thuộc thành phố. Diện tích đô thị Sài Gòn theo ranh giới năm 1865 khoảng 2,60km2.

Ngày 06/12/1865, Phó Đô đốc, Thống đốc ban hành nghị định điều chỉnh địa giới thành phố Sài Gòn, bắt đầu tính từ đại lộ Chasseloup-Laubat, sẽ là đường Impératrice cho đến đoạn giao với đường số 27 (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) và đường số 27 cho đến đoạn giao với đường Impériale.[1] Phần bổ sung có diện tích 0,15km2, đưa tổng diện tích đô thị Sài Gòn vào cuối năm 1865 lên 2,75km2.

Bản đồ năm 1867 còn thể hiện dinh Thống đốc, một trong những công trình quan trọng hàng đầu ở Sài Gòn lúc này, trong quá trình chuẩn bị xây dựng. Trước đó, năm 1865 – 1866, cuộc thi tuyển kiến trúc dinh Thống đốc được tổ chức nhưng vẫn chưa có đồ án được chọn. Đến khi Kiến trúc sư Hermitte được bổ nhiệm vào Sở Nhà ở dân dụng, đồ án dinh Thống đốc mới hoàn thành. Ngày 23/3/1868 Đô đốc La Grandière đặt viên đá khởi công xây dựng công trình dinh Thống đốc mới (Palais de Gouverneur hoặc Palais du Gouvernement). Công trình hoàn thành vào cuối năm 1869, được đưa vào sử dụng ngay sau đó. Đây được xem là một công trình đáng tự hào trong các thành phố kiêu hãnh nhất trên thế giới. Vì nằm ở đầu đường Norodom nên dân gian thường gọi là dinh Norodom.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU