ĐỒ ÁN THÀNH PHỐ SÀI GÒN 500.000 DÂN

Đồ án này do Trung tá công binh Coffyn thực hiện. Đây là đồ án quy hoạch sớm nhất của Sài Gòn, đồng thời là đồ án tiền đề để chính quyền thuộc địa dựa vào đó quy hoạch và phát triển đô thị Sài Gòn từng thời kỳ. Với bản quy hoạch này, thành phố Sài Gòn chứa cả hai thành phố đã có là Bến Nghé ở phía đông và Sài Gòn (tức Chợ Lớn) ở phía tây với dân số 500.000 - 600.000 người.

1. Khu vực thành phố hành chính bắt đầu từ tuyến đường chính ở đồi Bến Nghé (đường Hai Bà Trưng ngày nay) đi về rạch Thị Nghè, là nơi đóng các cơ quan hành chính lớn của chính quyền thuộc địa như dinh Thống đốc, trại lính, bệnh viện quân đội, xưởng quân giới, xưởng đóng tàu… Hai công trình nổi bật làm nền tảng cho quy hoạch khu vực này là tòa thành tỉnh Gia Định và xưởng đóng tàu đã có bên bờ sông Sài Gòn.

2. Khu vực thành phố kinh doanh là phần còn lại của bản quy hoạch đã trừ phần thành phố hành chính, tập trung chủ yếu ở thành phố Bến Nghé nằm ở phía tây đường Hai Bà Trưng ngày nay và thành phố Sài Gòn (tức Chợ Lớn). Các đối tượng, nhiệm vụ quan trọng của đồ án này gồm:

- Kinh nối, là tuyến kinh nhân tạo làm nhiệm vụ phòng ngự cho thành phố ở phía tây, nối hai rạch Bến Nghé và Thị Nghè, được gọi là kinh Nối, về sau gọi là kinh Vành đai. Tuyến kinh Nối đi khá gần tuyến lũy Bán Bích của Nguyễn Cửu Đàm xây dựng năm 1772. Theo thông tin từ Trung tá hải quân Paulin Vial, kinh Vành đai được khởi đào vào tháng 11/1862, độ sâu trung bình 6 m, rộng 20 m, tổng chiều dài 6 km.[1] Công trình được cho là sử dụng đến 40.000 người An Nam để thi công[2].

- Theo kế hoạch, hồ nước trung tâm có đường kính lên đến 426m, diện tích mặt nước 14,25 ha. Vị trí đề xuất của hồ nằm ở địa điểm Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Điều đáng tiếc là hồ nước trung tâm đã không được thực hiện.

- Quảng trường bán nguyệt Primaugue, nằm bên bờ sông Sài Gòn tại vị trí bến tàu, nay là Công trường Mê Linh cuối đường Hai Bà Trưng, giáp bờ sông Sài Gòn.

- Bảo tồn hoàn toàn tuyến kinh Lớn (Grand Canal) mà người Việt gọi là kinh Chợ Vải hay rạch Sa Ngư, con rạch được đào từ sông Sài Gòn vào chân thành Gia Định cũ vào năm 1790, cùng thời thành Gia Định. Từ đó, hình thành nên hai tuyến đường rất lớn bên hai bờ kinh Lớn, là đường Charner và đường Rigault de Genouilly, nay là phố đi bộ Nguyễn Huệ.

- Hình thành một tuyến kinh đào xuất phát từ kinh Cây Cám (tuyến rạch nằm giữa đường Thái Văn Lung và Đinh Tiên Hoàng, đã sớm bị lấp), chạy về phía tây, song song đường Isabelle II (sau là đường Espagne, nay là đường Lê Thánh Tôn), cắt qua kinh Lớn và chạy thêm một đoạn trước khi rẽ về nam, đổ vào rạch Bến Nghé.

Tuyến kinh này được triển khai đào ngay sau đó, được gọi là kinh Coffyn, theo tên của Trung tá công binh Coffyn, người lập đồ án quy hoạch này. Tuy nhiên tuyến kinh này cũng bị lấp khá sớm vào khoảng năm 1871 - 1872 để hình thành hai tuyến đường là đại lộ Bonnard[3] (đại lộ Lê Lợi, đường Nguyễn Siêu và Cao Bá Quát) và đường Pellerin (đường Pasteur).

- Vùng quy hoạch nằm bên Thủ Thiêm (nay thuộc Quận 2), vùng nằm đối diện với Sài Gòn qua sông Sài Gòn và vùng Khánh Hội (nay thuộc Quận 4). Đây là các khu vực hoàn toàn tách biệt, nằm ngoài ranh giới quy hoạch của đồ án Coffyn.

- Khu vực Chợ Lớn với hai điểm nhấn là tòa thị chính (Préfecture) và chợ có mái che (Marché couvert). Hai công trình này về sau được người Pháp xây dựng từ rất sớm, là chợ Trung tâm (Marché Central) tại vị trí nay là Bưu điện Quận 5; trung tâm hành chính Chợ Lớn nay là Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đại học Y Dược cùng khu đô thị Hùng Vương phía nam.

- Bảo tồn nguyên vẹn 8 tuyến đường cổ quan trọng, gồm: 1. Đường Thiên Lý phía tây (đường Cách Mạng Tháng Tám), 2. Đường Thiên Lý phía nam (đường Nguyễn Trãi và đường Hồng Bàng), 3. Đường Mirador (đoạn cuối Nam Kỳ Khởi Nghĩa tính từ nút giao Lý Tự Trọng về rạch Bến Nghé), 4. Đường nhỏ song song sông Sài Gòn (nay là một phần đường Lê Thánh Tôn), 5. Đường phía trước cổng Ly Minh thành Quy (tức đường Catinat về sau, nay là một phần đường Đồng Khởi), 6. Hai tuyến đường nhỏ nằm hai bên kinh Lớn, nay là đại lộ Nguyễn Huệ, 7. Đường nối từ cửa đông nam thành tỉnh Gia Định ra sông Sài Gòn (đường Citadelle về sau, nay là đường Tôn Đức Thắng), 8. Tuyến đường chính của khu vực chia đôi đồi Bến Nghé (nay là đường Hai Bà Trưng). Tác giả rất giỏi trong việc kết nối các tuyến đường đã có với hệ thống đường quy hoạch mới. Một lưu ý nhỏ, khu vực phố cũ Sài Gòn ở Chợ Lớn được tác giả bảo tồn nguyên vẹn và đây là vùng lõi của đô thị Chợ Lớn về sau.

Trên bình diện tổng thể, bản quy hoạch Coffyn năm 1862 là một bản đồ quy hoạch hết sức đặc biệt, là tiền đề để hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn về sau phát triển hiện đại, mang dáng dấp của các đô thị Âu châu như chính tác giả mong muốn.

Nguồn:Lưu trữ quốc gia Hải ngoại (ANOM)
Nguồn: Lưu trữ quốc gia Hải ngoại (ANOM)
50 BẢN ĐỒ TIÊU BIỂU